Bệnh rò hậu môn: nguyên nhân, triệu chứng & cách chữa và phòng tránh

Lượt xem: 2689

Rò hậu môn là tình trạng xuất hiện vết rãnh nhỏ giữa cuống hậu môn và phần da hậu môn gây cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Rò hậu môn không quá nguy hiểm và phương pháp điều trị triệt để là nên phẫu thuật. Nếu bạn nghi ngờ mình bị rò hậu môn thì không nên bỏ lỡ nội dung sau đây nhé!

Tổng quan bệnh rò hậu môn

Rò hậu môn (bệnh mạch lươn) là căn bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng, phổ biến thứ hai sau bệnh trĩ. Cũng giống như bệnh trĩ, rò hậu môn là bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây bất tiện cho sinh hoạt, làm suy giảm chất lượng sống.

Rò hậu môn là một nhiễm khuẩn mãn tính ở khu vực hậu môn trực tràng, là kết quả của một apxe quanh hậu môn trực tràng không được điều trị, biến chứng thành.

Rò hậu môn và apxe hậu môn là hai giai đoạn của một quá trình bệnh lý. Nếu như apxe hậu môn là giai đoạn viêm cấp tính thì rò hậu môn là giai đoạn viêm mãn tính. Vi khuẩn gây viêm có thể là vi khuẩn đường ruột hoặc E-coli.

Phân loại rò hậu môn:

  • Rò hoàn toàn: Lỗ rò trong và lỗ rò ngoài thông với nhau;
  • Rò không hoàn toàn: Đường rò chỉ có 1 lỗ, còn gọi là rò chuột;
  • Rò phức tạp: Đường rò ngoằn ngoèo, nhiều ngóc ngách;
  • Rò đơn giản: Đường rò thẳng, ít ngóc ngách;
  • Rò trong cơ thắt: Là kết quả của apxe dưới da cạnh hậu môn, loại rò nông thường cho kết quả tốt khi điều trị, ít tái phát;
  • Rò qua cơ thắt: Là kết quả của apxe vùng hố ngồi trực tràng, đường rò đi qua cơ thắt;
  • Rò ngoài cơ thắt: Là hậu quả của apxe vùng chậu hông trực tràng.

Nguyên nhân bị rò hậu môn

Nguyên nhân trực tiếp

Rò hậu môn là kết quả trực tiếp của bệnh apxe hậu môn. Người bị apxe hậu môn nếu không điều trị, các ổ apxe sẽ phá miệng ra da hậu môn, hình thành nên rò hậu môn. Ngoài ra, rò hậu môn cũng có thể xảy ra sau khi bác sĩ hút dịch apxe hậu môn.

Nguyên nhân gián tiếp

Nguyên nhân gián tiếp gây rò hậu môn là do chế độ sinh hoạt và làm việc không điều độ:

  • Thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động;
  • Ăn ít rau và các loại hoa củ quả, uống ít nước…
  • Mắc các vấn đề về tiêu hóa nhưng không điều trị sớm như tiêu chảy, táo bón mãn tính, bệnh trĩ…
  • Các yếu tố khác: Vệ sinh cá nhân không bảo đảm, đặc biệt là vệ sinh sau khi đi tiêu, quan hệ tình dục qua đường hậu môn…

Triệu chứng rò hậu môn

Lỗ rò hậu môn ban đầu chỉ là một mụn nhỏ xung quanh hậu môn (apxe hậu môn). Khi mụn này vỡ ra, chảy mủ, hình thành nên lỗ rò, đường rò.

Lỗ rò sau một thời gian có thể khô lại, đóng vảy, hình thành nên apxe mới, apxe thỉnh thoảng lại chảy mủ và ra dịch vàng hôi, tạo nên lỗ rò, đường rò mới…

Quá trình này diễn ra, tái đi tái lại nhiều lần. Lỗ rò cũng có thể hình thành sau khi đã hút dịch apxe.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thấy ngứa ngáy và hiện tượng xì hơi qua lỗ rò…

Khi nào cần đến bác sĩ?

Rò hậu môn thường ít người nhận biết được và nó gây nên nhiều phiền toái cho người mắc phải vì thế bạn không nên chần chừ đến bác sĩ khi gặp các dấu hiệu sau:

  • Đi đại tiện ra máu hoặc xuất hiện mủ;
  • Vùng da quanh hậu môn bị kích ứng gây ngứa ngáy;
  • Vùng da quanh hậu môn sưng đỏ, có thể sốt nếu bị apxe;
  • Đau nhói vùng hậu môn khiến bạn khó khăn trong công việc, giao tiếp như ngồi xuống, đứng lên;
  • Dịch nhầy, mưng mủ chảy có mùi hôi;
  • Tình trạng apxe hậu môn tái phát.

Chẩn đoán rò hậu môn

Việc thăm khám và kiểm tra tại vùng hậu môn có thể phát hiện sự có mặt của lỗ rò hậu môn.

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân cần phải siêu âm nội soi hậu môn hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để có được toàn bộ độ dài của đường rò, lên kế hoạch điều trị.

Điều trị rò hậu môn như thế nào?

Cách duy điều trị rò hậu môn hiệu quả là phẫu thuật. Người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt, phòng tránh tình trạng rò dịch mủ kéo dài gây biến chứng tiểu són, đại tiện mất tự chủ.

Nguyên tắc điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị rò hậu môn phải tuân thủ nguyên tắc sau:

  • Phải tìm được lỗ rò trong;
  • Lấy hết các tổ chức xơ, phá hết ngóc ngách, hút mụn mủ ra ngoài;
  • Chọn phương pháp mổ phù hợp;
  • Bảo đảm chăm sóc sau mổ tốt.

Các phương pháp điều trị rò hậu môn

Căn cứ vào mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà phương pháp điều trị rò hậu môn sẽ khác nhau:

  • Phẫu thuật: Cắt một phần cơ thắt hậu môn để mở toàn bộ đường rò, tạo điều kiện cho lỗ rò liền lại từ bên trong. Phương pháp này không phù hợp với những lỗ rò sâu.
  • Thắt và cắt đường rò: Chia đường rò khi nó đi qua giữa hai lớp cơ thắt.
  • Tắc đường rò: Dùng vật liệu giả bơm đầy vào đường rò và các mô mới hình thành để thay thế vật liệu.
  • Keo Fibrin: Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, bác sĩ dùng keo bơm vào bên trong hậu môn để bít lỗ rò, đường rò.
  • Seton: Đặt chỉ khâu (seton) quanh đường rò, tạo điều kiện cho hút mủ có kiểm soát. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm thời để làm sạch nhiễm trùng.

Phẫu thuật là cách điều trị rò hậu môn duy hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần duy trì thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ngăn ngừa rò hậu môn tái phát. Sau phẫu thuật, thời gian hồi phục dài hay ngắn còn phụ thuộc vào từng bệnh nhân.

Phòng tránh rò hậu môn

Chế độ ăn uống phần đa là nguyên nhân gây nên tình trạng rò hậu môn, vì thế để phòng tránh cũng như đối phó với tình trạng bạn cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học:

  • Cung cấp nước uống đầy đủ mỗi ngày, các bạn nên uống khoảng 2 - 2,5 lít/ngày bao gồm cả nước lọc, nước canh hay sinh tố, nước ép hoa quả.
  • Chất xơ rất cần thiết và quan trọng cho hệ tiêu hóa của bạn, ăn nhiều chất xơ giúp đường ruột hoạt động tốt hơn.
  • Vùng hậu môn là nơi đào thải chất thải của cơ thể vì thế việc vệ sinh hàng ngày và sau khi đi cầu là rất cần thiết.
  • Giữ thói quen sinh hoạt tốt, luyện tập thể thao thường xuyên, tránh đứng lâu, ngồi nhiều và bê vác đồ vật nặng.

Trên đây là những thông tin về vấn đề rò hậu môn được tổng hợp từ những nguồn tin chất lượng, hy vọng sẽ đem đến những tin tức hữu ích cho bạn. Những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Cập nhật lần cuối: 16-10-2022 15:17:37