- Trang chủ /
- Bệnh hậu môn /
- Nứt kẽ hậu môn /
- Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
-
-
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Vũ Hồng Lân
Nứt kẽ hậu môn là vết rách ở vùng niêm mạc hậu môn gây cảm giác đau đớn, chảy máu sau mỗi lần đi đại tiện. Vết nứt có thể gặp ở bất kì đối tượng nào và thông thường sẽ tự khỏi nhưng nếu không có dấu hiệu thuyên giảm bạn nên chú ý vì rất dễ dẫn đến tình trạng mãn tính. Vì thế việc điều trị ngay từ ban đầu là rất cần thiết, để hiểu rõ hơn hãy tham khảo nội dung sau đây!
Nứt kẽ hậu môn là gì?
Nứt kẽ hậu môn (anal-fissure) là tình trạng xuất hiện vết rách ở niêm mạc hậu môn, gây chảy máu đỏ và đau đớn khi đại tiện, thường xảy ra khi bệnh nhân cố rặn phân cứng. Nứt kẽ hậu môn không phải là một tình trạng nghiêm trọng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì táo bón. Người lớn tuổi cũng dễ bị nứt kẽ hậu môn do lưu lượng máu lưu thông đến vùng hậu môn giảm. Phụ nữ trong và sau khi sinh có nguy cơ bị nứt kẽ hậu môn do căng thẳng trong quá trình sinh nở.
Triệu chứng của nứt kẽ hậu môn
Biểu hiện của nứt kẽ hậu môn ban đầu rất dễ nhận biết, bạn có thể cảm nhận hay sờ thấy, sau đây là những đặc điểm cụ thể:
- Vết nứt hậu môn: Hầu hết vết nứt hậu môn đều nhỏ dưới một centimet, nhưng do khu vực hậu môn vốn nhạy cảm nên gây ra cơn đau dữ dội.
- Ra máu: Vết nứt hậu môn ở trẻ sơ sinh thường chảy máu. Ra máu màu đỏ tươi, có thể nhìn thấy trên phân hoặc giấy vệ sinh.
- Ngứa: Cảm giác ngứa ở vùng hậu môn, có thể liên tục hoặc dai dẳng.
- Đau dữ dội: Cảm giác nóng rát trong và sau khi đi ngoài kéo dài đến vài giờ. Khi phân đi qua hậu môn, cơn đau như dao cứa, khiến một số bệnh nhân sợ đi đại tiện. Điều này càng làm tăng nguy cơ táo bón.
- Hiện tượng chảy máu trực tràng: Bạn có thể nhận thấy một lượng nhỏ máu trên giấy vệ sinh. Nứt kẽ hậu môn rất dễ nhầm lẫn với bệnh trĩ do hai căn bệnh này đều gây chảy máu trực tràng.
Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn
Nguyên nhân chính gây nứt kẽ hậu môn chính là táo bón. Khối phân cứng di chuyển và gây áp lực cho cơ vòng hậu môn, gây rách niêm mạc hậu môn. Việc ăn những thực phẩm chế biến sẵn cùng với những thực phẩm có lượng chất béo trans cao có thể gây nên tình trạng này.
Ngoài táo bón, các nguyên nhân phổ biến khác gây ra nứt kẽ hậu môn bao gồm:
- Bệnh viêm ruột như Corhn xảy ra ở lớp lót ruột khiến cho mô xung quanh hậu môn dễ bị rách hơn;
- Ngồi nhiều, ít vận động: khiến lưu lượng máu đến vùng hậu môn giảm;
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Là một trong những nguyên nhân hiếm hoi gây ra vết nứt hậu môn;
- Co thắt cơ cắp: Căng thẳng trong khi đi sinh hoặc đi tiêu khiến cơ bắp thắt chặt hoặc co cứng quá mức;
- Mang thai và sinh con: Thai phụ mang thai có nguy cơ cao bị vết nứt hậu môn vào cuối thai kỳ. Lớp màng hậu môn có thể bị nứt trong khi sinh;
- Các điều kiện khác: Vết nứt hậu môn có thể phát triển do ung thư hậu môn, HIV, bệnh lao, hoặc bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục như giang mai hoặc herpes, Chlamydia.
Khi nào nứt kẽ hậu môn cần điều trị?
Hầu hết mọi người đều từng bị nứt kẽ hậu môn, các vết nứt có xu hướng tự lành trong vòng 2-3 tuần nếu bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung nhiều chất xơ hơn cho cơ thể. Nếu vết rách kéo dài hơn 6 tuần được coi là mãn tính, cần được điều trị.
Tác hại của nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn tuy chỉ là vết rách nhỏ vì thế mà nhiều người coi thường vì chỉ nghĩ như vết đứt tay sẽ tự lành lại, tuy nhiên vùng da ở hậu môn và vùng da ở tay là hoàn toàn khác nhau, vết rách ở hậu môn là trên niêm mạc nên thời gian để vết thương lành sẽ lâu hơn. Và việc để lâu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hại cho bạn, cụ thể là:
- Nứt kẽ hậu môn gây ra đau đớn dữ dội, bệnh nhân đi ngoài ra máu.
- Vết nứt để lâu nhiễm trùng có thể sinh ra ngứa ngáy, khó chịu.
- Mất tự tin trong giao tiếp, quần áo cọ xát gây vướng cộm.
- Nếu vết nứt hậu môn mãn tính có thể gây ra nhiễm trùng.
- Dù hiếm gặp nhưng nứt kẽ hậu môn vẫn có thể gây ra các bệnh như apxe hậu môn, nếu nhiễm trùng không được xử lý.
Điều trị nứt kẽ hậu môn như thế nào?
Hầu hết các vết nứt hậu môn không cần điều trị. Bệnh nhân có thể tự khắc phục tại nhà giúp thúc đẩy và giảm các triệu chứng khó chịu.
Chẩn đoán vết nứt hậu môn
Vết nứt hậu môn có thể chẩn đoán đơn giản bằng cách quan sát, kiểm tra xung quanh hậu môn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể muốn thực hiện một xét nghiệm nội soi trực tràng để xác nhận chẩn đoán.
Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chèn một ống soi mỏng vào trực tràng của bệnh nhân tìm ra các nguyên nhân khác gây đau hậu môn như bệnh trĩ.
Điều trị nứt kẽ hậu môn tại nhà
- Bệnh nhân cũng được khuyên ngâm hậu môn trong chậu nước ấm pha với thuốc tím hoặc dung dịch iod povidon ít 2 lần một ngày giúp giảm đau tạm thời.
- Thuốc làm mềm phân cùng với thuốc nhuận tràng, bổ sung chất xơ như trái cây, rau sống và các thực phẩm dạng sợi.
- Áp dụng thuốc giảm đau tại chỗ như lidocaine đưa vào hậu môn để giảm bớt sự khó chịu.
Lưu ý: Nếu các triệu chứng nứt kẽ hậu môn không giảm trong vòng 2 tuần sau khi điều trị thì phải đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ nứt kẽ hậu môn, có thể đề nghị phương pháp điều trị khác.
Tiêm Boxton
Tiêm Botox vào cơ vòng hậu môn để ngăn ngừa co thắt ở hậu môn tạm thời bằng cách làm tê liệt cơ, cho phép các khe nứt hậu môn chữa lành trong khi ngăn ngừa vết nứt mới hình thành.
Nếu vết nứt hậu môn không đáp ứng với phương pháp điều trị thì bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật cơ vòng hậu môn.
Phẫu thuật
Nếu các biện pháp điều trị thông thường không đạt hiệu quả, bạn cần phẫu thuật. Thông thường, chỉ có 20% bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cần phải tiến hành phẫu thuật.
Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Nong hậu môn: Phẫu thuật sử dụng panh hậu môn ngăn ngừa lỗ hậu môn bị chít hẹp và được thực hiện trong khi gây mê.
- Cắt cơ vòng hậu môn: Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch ở cơ vòng hậu môn để nới lỏng vết nứt hoặc rách, nhờ đó làm giảm sức căng và áp lực lên vết rách hậu môn, tạo điều kiện cho vết rách liền sau phẫu thuật.
- Thủ thuật STARR: Nếu bệnh nhân bị đại tiện tắc nghẽn dẫn đến rách hậu môn thì bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật cắt túi sa trực tràng qua ngả hậu môn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành kẹp phẫu thuật, cắt mô thừa trong lòng trực tràng. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm sau thủ thuật STARR phải kể đến như chảy máu, đại tiện không kiểm soát, lỗ rò…
Phòng ngừa vết nứt hậu môn
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp dự phòng sau:
- Làm sạch hậu môn hàng ngày bằng xà phòng và nước ấm.
- Giữ hậu môn luôn khô ráo.
- Uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ.
- Tập thể dục thường xuyên để tránh táo bón.
- Điều trị bệnh tiêu chảy, táo bón ngay lập tức nếu mắc bệnh.
- Đối với trẻ sơ sinh nên thay tã thường xuyên.
Phòng ngừa nứt kẽ hậu môn một cách hiệu quả và tránh tái phát trở lại, bạn phải ngăn ngừa được tình trạng táo bón. Có thể do một số bệnh lý đặc biệt khác khiến táo bón kéo dài, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ăn uống và vận động. Hãy tập thói quen tốt trong sinh hoạt để chữa khỏi hoàn toàn táo bón, giúp tránh những đau rát khó chịu do vết nứt tại vùng hậu môn.
Cập nhật lần cuối: 16-10-2022 15:14:21