Viêm vùng chậu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và ảnh hưởng

Lượt xem: 4645

Viêm vùng chậu là gì?

Viêm vùng chậu (Pelvic Inflammation - PID) là tình trạng nhiễm trùng ở phần trên của cơ quan sinh dục nữ, bao gồm: ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung và tử cung. Có hai dạng viêm vùng chậu: cấp tính và mãn tính.

Viêm vùng chậu nếu không được điều trị, có thể dẫn đến sẹo vùng chậu, làm suy giảm khả năng sinh sản hoặc apxe. Theo ước tính cứ 1/8 người phụ nữ từng bị viêm vùng chậu gặp khó khăn khi mang thai.

Nguyên nhân gây viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu thường bắt nguồn từ viêm âm đạo, lan đến cổ tử cung, di chuyển sang ống dẫn trứng và buồng trứng.

Tác nhân nhiễm trùng có thể là do vi khuẩn (chiếm tỉ lệ nhiều ), nấm hoặc ký sinh trùng. Phổ biến là loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STDs) như: Chlamydia và bệnh lậu. Theo ước tính, 10-15% chị em mắc bệnh Chlamdyia hoặc lậu sẽ bị viêm vùng chậu.

Các yếu tố rủi ro, làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu bao gồm:

  • Phá thai hoặc sảy thai: Thủ thuật nạo phá thai thực hiện tại các cơ sở y tế không đủ điều kiện vô trùng - tiệt khuẩn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ở vùng chậu.

  • Đặt dụng cụ tránh thai: Một số dụng cụ tránh thai đặt vào tử cung, có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sang viêm vùng chậu.

  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Việc lấy mẫu mô tử cung để phân tích cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  • Viêm ruột thừa nhẹ: Nhiễm trùng có thể lây lan từ ruột thừa đến khung chậu.

  • Các yếu tố khác: Viêm vùng chậu rất phổ biến ở nữ từ 15 đến 29 tuổi, đã từng quan hệ tình dục, có nhiều bạn tình mà không sử dụng biện pháp tránh thai, thường xuyên thụt rửa âm đạo, có tiền sử viêm vùng chậu hoặc từng viêm nhiễm do lây truyền qua đường tình dục…

Dấu hiệu viêm vùng chậu

Nhiều phụ nữ bị viêm vùng chậu nhưng thời gian đầu không có dấu hiệu nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các dấu hiệu viêm vùng chậu bao gồm:

  • Đau vùng xương chậu, có thể đau dữ dội.

  • Sốt cao.

  • Mệt mỏi.

  • Kinh nguyệt không đều, chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.

  • Đau lưng dưới và trực tràng.

  • Đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.

  • Khí hư bất thường.

  • Đi tiểu nhiều, cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

  • Cảm giác buồn nôn.

Các triệu chứng viêm vùng chậu giống với dấu hiệu của u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, lạc nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu để tình trạng viêm nhiễm kéo dài quá 30 ngày bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Vậy, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu nữ giới xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng dưới dữ dội, nôn ói, ngất xỉu, sốt cao thì cần đến bệnh viện khám ngay lập tức.

Tác hại của viêm vùng chậu

Nếu viêm vùng chậu không được điều trị kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản, cụ thể:

  • Viêm và đau: Viêm và đau vùng chậu mãn tính có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

  • Sẹo ống dẫn trứng: Sẹo trong ống dẫn trứng và các cơ quan vùng chậu khác sẽ gây đau khi giao hợp, khó thụ thai hoặc thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung thường gặp là ở vòi trứng, khi vỡ chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng người mẹ.

  • Apxe buồng trứng: Một tập hợp mủ hình thành trong ống tử cung và buồng trứng. Nếu không điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Vô sinh nữ: Theo ước tính, có khoảng 20% bệnh nhân viêm vùng chậu bị vô sinh do sẹo ống dẫn trứng, 9% khả năng mang thai ngoài tử cung và 18% khả năng bị đau vùng chậu mãn tính.

Chẩn đoán viêm vùng chậu

Để chẩn đoán viêm vùng chậu, bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh tật, thói quen quan hệ tình dục, các triệu chứng bất thường. Sau đó tiến hành thăm khám thực tế và các xét nghiệm kiểm tra:

  • Khám vùng chậu: Để kiểm tra các cơ quan vùng chậu của bạn.

  • Soi tươi khí hư: Lấy mẫu dịch từ cổ tử cung, niệu đạo để soi tươi khí hư.

  • Nuôi cấy cổ tử cung: Kiểm tra nhiễm trùng cổ tử cung.

  • Xét nghiệm nước tiểu: Tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu, dấu hiệu của máu, ung thư…

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn đã bị viêm vùng chậu, sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm hơn để kiểm tra mức độ tổn thương vùng chậu.

Các xét nghiệm bổ sung bao gồm:

Do viêm vùng chậu có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng, làm hỏng vĩnh viễn cơ quan sinh sản nên các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm:

  • Siêu âm: Máy siêu âm sử dụng sóng âm thanh quét qua vùng chậu để  tạo ra hình ảnh cơ quan nội tạng, kiểm tra tình trạng tổn thương trong ống dẫn trứng.

  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Bác sĩ lấy mẫu tế bào từ niêm mạc tử cung để kiểm tra sự hiện diện của tế bào ung thư.

  • Nội soi ổ bụng: Đưa dụng cụ qua vết mổ ở ổ bụng và chụp ảnh các cơ quan vùng chậu.

Lưu ý: Nếu nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra Chlamydia và lậu.

Điều trị viêm vùng chậu

Điều trị viêm vùng chậu sớm giúp bệnh nhanh khỏi và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Có 2 phương pháp chính là nội khoa (dùng thuốc) và ngoại khoa (phẫu thuật):

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Bạn không được tự ý mua thuốc kháng sinh về uống, mà cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị viêm vùng chậu bằng thuốc thường kéo dài 14 ngày.

Viêm vùng chậu thường liên quan đến nhiều vi khuẩn, vì thế đôi khi phải kết hợp hai loại kháng sinh cùng nhau. Nếu điều trị kháng sinh không mang lại hiệu quả trong vòng 3 ngày, bệnh nhân cần quay lại bác sĩ khám để thay đổi thuốc hoặc dùng kháng sinh tiêm vào tĩnh mạch.

Điều trị bằng phẫu thuật

Nếu bệnh nhân viêm vùng chậu đang mang thai hoặc có các triệu chứng viêm vùng chậu nghiêm trọng, cần phải nhập viện để phẫu thuật.

Phẫu thuật hiếm khi cần thiết nhưng là bắt buộc trong trường hợp có sẹo trên ống dẫn trứng, cần phải loại bỏ ống dẫn trứng hoặc bị apxe (túi mủ do nhiễm trùng) trong khung chậu.

Việc loại bỏ cả hai ống dẫn trứng không được khuyến khích vì sẽ tước đi khả năng làm mẹ của phụ nữ.

Một số lưu ý trong điều trị viêm vùng chậu:

  • Nếu bi viêm vùng chậu do STDs thì cần điều trị bệnh cho cả 2 vợ chồng để tránh tình trạng lây nhiễm trở lại.

  • Bệnh nhân không được quan hệ tình dục cho đến khi bệnh đã khỏi hẳn.

Phòng ngừa viêm vùng chậu

  • Thăm khám bác sĩ: Thăm khám thường xuyên định kỳ (1 năm 2 lần), đặc biệt là với người có nhiều bạn tình.

  • Xét nghiệm: Đảm bảo bạn được kiểm tra nhiễm trùng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Chú ý vệ sinh cá nhân: Không được thụt rửa âm đạo, vì có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su để quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục quá sớm sau khi sinh con.

Cập nhật lần cuối: 08-06-2022 16:22:48