Đi tiểu ra máu: Nguyên nhân, dấu hiệu, chuẩn đoán và điều trị

Lượt xem: 4609

Tiểu ra máu là thuật ngữ y tế dùng để chỉ sự xuất hiện của máu trong nước tiểu, báo hiệu vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng, bệnh thận, ung thư và rối loạn máu…

Máu trong nước tiểu có thể xuất phát từ các bộ phận của đường tiết niệu như:

  • Niệu quản: Các ống nối từ thận đến bàng quang.
  • Bàng quang: Nơi lưu trữ nước tiểu.
  • Niệu đạo: Ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.

Các loại đi tiểu ra máu (Blood in Urine - Hematuria)

Nước tiểu của người bình thường có màu vàng nhạt. Khi có máu, nước tiểu chuyển sang màu hồng, đỏ, nâu đỏ.

Đôi khi, máu trong nước tiểu không thể nhìn thấy bằng mắt thường, sự xuất hiện của tế bào hồng cầu có trong nước tiểu chỉ được phát hiện trong phòng xét nghiệm.

Tóm lại, có hai dạng đi tiểu ra máu:

  • Tiểu ra máu vi thể: Lượng hồng cầu ít phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy, hoặc làm xét nghiệm cặn Addis có số lượng hồng cầu dưới 5000 hồng cầu/phút là đái ra máu vi thể
  • Tiểu ra máu đại thể: Lượng máu trong nước tiểu nhiều, trên 5000 hồng cầu/phút, làm chuyển màu nước tiểu sang màu hồng hoặc đỏ, hoặc có những đốm máu nhìn thấy được.

Triệu chứng nhận biết đi tiểu ra máu:

Đi tiểu ra máu có thể xảy ra mà không đi kèm bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác. Tuy nhiên, một số triệu chứng bổ sung từ nhẹ đến nặng có thể là:

  • Bỏng hoặc đau khi đi tiểu nếu là nhiễm trùng bàng quang. Trẻ đi tiểu ra máu do nhiễm trùng bàng quang có thể bị sốt, đau và rát khi đi tiểu, đau bụng dưới…
  • Sốt, ớn lạnh và đau sườn nếu bệnh nhân bị sỏi thận.
  • Yếu cơ và cao huyết áp, xuất hiện bọng ở quanh mắt nếu là do bệnh thận.
  • Đau bụng hoặc đau vùng chậu nghiêm trọng nếu là do sỏi thận.

Nguyên nhân đi tiểu ra máu

Đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của các vấn đề trong đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản và bàng quang. Ở nam giới, đi tiểu ra máu còn do viêm tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Tóm lại, nguyên nhân đi tiểu ra máu bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu:  Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và phát triển ở bàng quang, bệnh nhân có cảm giác tiểu gấp, tiểu đau và rát khi đi tiểu, mùi khai mạnh. Riêng người lớn tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tiểu ra máu vi thể.
  • Nhiễm trùng thận (viêm bể thận): Vi khuẩn xâm nhập từ máu vào thận hoặc từ niệu quản lên thận, gây nhiễm trùng. Bệnh nhân có triệu chứng tương tự với nhiễm trùng bàng quang, kèm thêm sốt và đau sườn.
  • Sỏi thận và sỏi bàng quang: Các khoáng chất có trong nước tiểu có thể tạo thành tinh thể rắn tại thận và bàng quang, lâu dần tạo thành viên đá nhỏ, cứng. Chúng gây đau, tiểu ra máu đại thể hoặc vi thể khi di chuyển.
  • Viêm tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt mở rộng khi nam giới đến tuổi trung niên, nó chèn ép niệu đạo, ngăn chặn dòng nước tiểu. Bệnh nhân khó tiểu, tiểu gấp, tiểu nhiều và đi tiểu ra máu. Viêm tuyến tiền liệt cũng có triệu chứng tương tự.
  • Thận: Đi tiểu ra máu vi thể là triệu chứng điển hình của viêm cầu thận, viêm hệ thống lọc của thận. Nhiễm virus, viêm mạch máu và các vấn đề miễn dịch như bệnh thận IgC, có thể kích hoạt viêm cầu thận.
  • Ung thư: Chảy máu nước tiểu có thể là dấu hiệu của ung thư thận, ung thư bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Điều đáng tiếc là các bệnh này không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu.
  • Rối loạn di truyền: Khiếm khuyết di truyền của huyết sắc tố trong hồng cầu gây ra máu trong nước tiểu, bao gồm cả tiểu ra máu vi thể và tiểu ra máu đại thể.
  • Chấn thương: Một cú đánh hoặc tai nạn thể thao, tai nạn xe cộ… gây chấn thương cho thận và dẫn đến máu trong nước tiểu.
  • Thuốc: Thuốc chống ung thư cyclophosphamide và penicillin gây chảy máu đường tiết niệu, thuốc chống đông máu aspirin và heparin làm loãng máu, khiến bàng quang bị chảy máu.
  • Tập thể dục quá sức: Hiếm khi xảy ra nhưng tập thể dục quá sức cũng có thể dẫn đến tiểu máu toàn phần. Sau khi tập luyện cường độ cao, bạn dễ bị chảy máu tiết niệu, chấn thương bàng quang, mất nước…

Ngoài các nguyên nhân chính kể trên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu ra máu, bao gồm: Đàn ông trên 50 tuổi bị tiểu ra máu do tuyến tiền liệt mở rộng, trẻ em dễ bị viêm thận và viêm cầu thận, gia đình có tiền sử mắc bệnh thận hoặc sỏi thận, người chạy đường dài…

Tác hại đi tiểu ra máu

Căn cứ vào từng nguyên nhân đi tiểu ra máu mà tác hại và ảnh hưởng của hiện tượng đi tiểu ra máu khác nhau:

  • Nếu như đi tiểu ra máu do tập luyện vất vả, chấn thương, dùng thuốc điều trị… thì bệnh nhân không cần lo lắng, đi tiểu ra máu chỉ diễn ra trong vài ngày là hết.
  • Nếu đi tiểu ra máu do ung thư thận hoặc bàng quang, bệnh thận đa năng hoặc vấn đề với đông máu… thì ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh.

Khi nào bệnh nhân cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy xuất hiện máu trong nước tiểu, cần liên hệ bác sĩ ngay. Việc sử dụng một số loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc tập thể dục nặng có thể gây đi tiểu ra máu trong vài ngày rồi biến mất. Tuy nhiên, bạn có thể không phân biệt được, tốt nên đi gặp bác sĩ.

Ngoài ra, bạn cũng cần gặp bác sĩ nếu:

  • Bạn không thấy có máu trong nước tiểu nhưng đi tiểu thường xuyên, khó khăn hoặc đau, đau bụng, đau thận… thì đấy là dấu hiệu tiểu ra máu vi thể.
  • Bạn không thể đi tiểu, nhìn thấy cục máu đông khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu, buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh đau ở bên lưng hoặc bụng…

Chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đi tiểu ra máu

Chẩn đoán nguyên nhân:

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra nước tiểu có máu, bác sĩ sẽ thảo luận về tiền sử bệnh lý và tiền sử gia đình, sau đó, thăm hỏi về các biểu hiện:

  • Màu sắc và mùi của nước tiểu
  • Tần suất đi tiểu.
  • Các triệu chứng đi kèm khi đi tiểu, bạn có bị đau khi đi tiểu….

Một số xét nghiệm chức năng được tiến hành:

  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra lượng hồng cầu có trong nước tiểu và kiểm tra nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận.
  • Nếu xét nghiệm nước tiểu không tìm ra nguyên nhân, thì phải chụp thêm CT, MRI hoặc siêu âm, nội soi bàng quang để kiểm tra bàng quang, niệu đạo.
  • Xét nghiệm bổ sung bao gồm: Xét nghiệm kháng thể kháng nhân, mức độ creatinine trong máu, sinh thiết thận, xét nghiệm rối loạn máu, kiểm tra đông máu…

Điều trị đi tiểu ra máu

Điều trị đi tiểu ra máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây máu trong nước tiểu. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán xem bạn có cần điều trị hay không:

Nếu nguyên nhân đi tiểu ra máu là nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt… bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kháng sinh.

Nếu máu trong nước tiểu do các nguyên nhân khác như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang… thì điều trị các nguyên nhân này sẽ hết đi tiểu ra máu.

Ngoài ra, đi tiểu ra máu không có nghĩa là bạn bị bệnh thận, mà là do một số nguyên nhân như tập thể dục vất vả, chấn thương nhẹ… thì không cần thiết phải điều trị.

Cập nhật lần cuối: 26-05-2021 09:31:57