Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư cổ tử cung

Lượt xem: 4012

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Nhận biết các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư cổ tử cung để sớm đi khám và can thiệp kịp thời giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tế bào ung thư phát triển đến giai đoạn cuối. Vì vậy, khả năng điều trị khỏi bệnh ngày càng mong manh.

Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư cổ tử cung

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu

Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không gây ra đau đớn hay bất cứ triệu chứng nào khác. Đó là lý do vì sao bác sĩ khuyên chị em nên thăm khám vùng chậu và làm xét nghiệm Pap định kỳ giúp phát hiện ung thư sớm giúp điều trị hiệu quả. Những triệu chứng ung thư cổ tử cung đầu tiên có thể được nhận ra bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường

Bao gồm xuất huyết sau khi giao hợp, chảy máu giữa thời kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh, kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn so với bình thường. Đây là triệu chứng ung thư cổ tử cung điển hình khi tế bào ung thư đã lan đến các mô bộ phận xung quanh.

Một số tế bào ung thư chết do thiếu oxy, tạo ra mùi hôi khó chịu, là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, âm đạo của người bệnh còn ra nhiều dịch nước, màu hồng, nâu hoặc đẫm máu.

  • Đau khi quan hệ tình dục

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có thể bị đau khi quan hệ tình dục vì khối u phát triển trong các mô và cơ quan sinh sản, gây đau khi va chạm vào.

  • Đau vùng chậu

Đau vùng chậu hoặc đau dưới lưng thường liên qua đến cơ quan sinh sản. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung là đau vùng chậu, cảm giác đau liên tục. Đau vùng chậu gần ruột thừa chỉ xảy ra khi ung thư đã ở giai đoạn nặng.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn di căn

Nếu ung thư cổ tử cung lan rộng đến các mô gần đó, thì có thể gây ra các triệu chứng mới bao gồm:

  • Giảm cân, mệt mỏi

Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, dấu hiệu của ung thư cổ tử cung là mệt mỏi, chán ăn, giảm cân liên tục mà không rõ nguyên nhân. Nếu bạn mất từ 5-10% trọng lượng cơ thể mỗi tháng, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Đau lưng, đau chân hoặc sưng chân

Khi ung thư cổ tử cung phát triển, khối u sẽ chèn lên các dây thần kinh ở vùng xương chậu, dẫn đến đau chân và sưng chân.

Mặc dù, đau và sưng chân có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung nhưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác.

  • Nôn mửa

Khối ung thư trong cổ tử cung khiến cho cổ tử cung sưng lên trong khoang bụng, đè nén đường tiêu hóa và dạ dày, gây ra cảm giác nôn mửa, thậm chí là trào ngược dạ dày.

  • Đau khi đi tiểu, tiểu khó, trong nước tiểu có máu

Ung thư cổ tử cung tiến triển mạnh có thể lan sang các bộ phận khác như bàng quang, gây ra đau khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu ra máu…

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

  • Hút thuốc lá lâu năm.

  • Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.

  • Đặt dụng cụ tránh thai

  • Từng có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục

  • Phụ nữ trải qua sinh nở nhiều lần.

  • Từng can thiệp ngoại khoa: phẫu thuật, nạo phá thai kém an toàn.

Ung thư cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ trung và cao tuổi. Một khi ung thư tiến triển, chị em có thể nhận thấy một số triệu chứng điển hình.

Bạn cần đến gặp bác sĩ khi nào?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị chảy máu bất thường, chảy máu sau khi giao hợp, ra dịch âm đạo hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác của ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap smear nên được tiến hành thường xuyên ở những phụ nữ từ 21 tuổi trở nên:

  • Mỗi ba năm một lần với chị em từ 21 đến 29 tuổi, bất kể có hay chưa có triệu chứng.

  • Từ 30 đến 65, chị em nên khám nghiệm Pap smear mỗi 3 năm một lần. Nếu tiến hành xét nghiệm đồng thời HPV và Pap smear thì chỉ cần kiểm tra mỗi 5 năm một lần.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

  • Pap smear

Pap smear là phương pháp tốt để chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm nên được khuyến khích. Pap smear tìm kiếm các triệu chứng tiền ung thư như trong các tế bào ác tính hoặc những thay đổi trong các tế bào cổ tử cung. 

Nếu kết quả Pap smear cho thấy có xuất hiện tế bào ác tính, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm khác như soi cổ tử cung.

  • Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung là một dụng cụ phóng đại cho phép bác sĩ quan sát cổ tử cung. Soi cổ tử cung dùng để chẩn đoán nhiều bệnh ở cổ tử cung như mụn cóc sinh dục, ung thư âm đạo và ung thư âm hộ, ung thư cổ tử cung.

Phòng tránh ung thư cổ tử cung

Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ khuyên bạn nên:

  • Quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt khi bạn quan hệ tình dục với nhiều người thì nên dùng bao cao su.

  • Ngừng hút thuốc, do thuốc kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư cổ tử cung và các dạng ung thư khác.

  • Nữ giới nên đi tiêm phòng vắc xin HPV

  • Kiểm tra cổ tử cung định kỳ bằng phương pháp Pap hoặc soi cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Nếu phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung nữ giới cần tích cực điều trị theo pháp đồ của bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định.

Cập nhật lần cuối: 16-10-2022 15:16:15