Bệnh vô sinh: Nguyên nhân, chẩn đoán, mối nguy hiểm và điều trị

Lượt xem: 3919

Vô sinh là hiện tượng một cặp vợ chồng không thể thụ thai sau 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên, không dùng biện pháp bảo vệ.

Theo ước tính, có từ 8-12% cặp vợ chồng trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc thụ thai. Khoảng 40-50% các trường hợp được xác định là vô sinh vĩnh viễn.

Một cặp vợ chồng nên đi khám bác sĩ nếu không có thai sau 12 tháng cố gắng. Phụ nữ trên 35 tuổi cần đi gặp bác sĩ sớm hơn (nếu không có thai dưới 6 tháng) bởi vì khả năng sinh sản của nữ giới ở lứa tuổi 30 trở đi giảm.

Các yếu tố nguy cơ gây vô sinh cho nam giới bao gồm rượu, ma túy, hút thuốc, tuổi tác, thuốc men, xạ trị và hóa trị…

Các yếu tố nguy cơ gây vô sinh cho nữ giới bao gồm vấn đề về tử cung, buồng trứng, tuổi tác, chế độ ăn kém…

Các loại vô sinh:

Vô sinh có thể là vô sinh sơ cấp và vô sinh thứ cấp (vô sinh thứ phát):

  • Vô sinh sơ cấp: Xảy ra khi một cặp vợ chồng chung sống với nhau sau 12 tháng không dùng biện pháp bảo vệ mà vẫn không thể có con theo cách tự nhiên.
  • Vô sinh thứ phát: Cặp vợ chồng đã từng có con nhưng gặp khó khăn trong lần mang thai tiếp theo.

Triệu chứng của vô sinh

Triệu chứng chính của vô sinh là không mang thai, ngoài ra ít còn triệu chứng nào khác. Đôi khi, một phụ nữ vô sinh có thể bị chu kỳ kinh nguyệt rối loạn hoặc không có chu kỳ kinh nguyệt. Một người đàn ông vô sinh có thể bị rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn những thay đổi trong sự phát triển của tóc hoặc chức năng tình dục suy giảm.

Theo đó, nữ giới nên đi khám bác sĩ khi:

Tuổi bạn từ 35 đến 40 hoặc trên 40 tuổi, đã cố gắng thụ thai từ 6 tháng hoặc lâu hơn.

  • Bạn gái bị rối loạn kinh nguyệt, bị đau dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt,  từng mắc bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu.
  • Bạn từng nhiều lần sảy thai.
  • Bạn từng điều trị ung thư.

Nam giới nên đi khám bác sĩ khi:

  • Có tiền sử về tinh hoàn, tuyến tiền liệt và tình dục.
  • Từng điều trị ung thư.
  • Kích thước tinh hoàn nhỏ hoặc bị sưng tinh hoàn.
  • Thành viên trong gia đình bạn từng bị vô sinh.

Nguyên nhân gây vô sinh

Nguyên nhân gây vô sinh có thể là do vợ hoặc chồng hoặc do các yếu tố gây trở ngại cho thai kỳ. Theo nghiên cứu:

  • Một phần ba các trường hợp vô sinh, vấn đề là do nam giới.
  • Một phần ba trường hợp vô sinh, vấn đề là do phụ nữ.
  • Các trường hợp còn lại là vấn đề với cả nam và nữ hoặc nguyên nhân không được xác định chính xác.

Nguyên nhân vô sinh ở nam giới

Tinh dịch trong cơ thể nam giới bao gồm chất lỏng và tinh trùng. Chất lỏng do tuyến tiền liệt, túi tinh và các tuyến tình dục khác sản xuất ra. Còn tinh trùng do tinh hoàn sản xuất ra. Nam giới khi xuất tinh sẽ giải phóng tinh dịch, tinh dịch giúp tinh trùng di chuyển vào tử cung gặp trứng.

Nếu nguyên nhân vô sinh là do nam giới thì các vấn đề sau có thể xảy ra:

  • Số lượng tinh trùng thấp: Số lượng tinh trùng dưới 15 triệu được coi là thấp. Theo ước tính, 1/3 các cặp vợ chồng đến khám vô sinh hiếm muộn là do người chồng có số lượng tinh trùng thấp.
  • Tinh trùng ít di động: Tinh trùng không có khả năng bơi đến gặp trứng.
  • Tinh trùng bất thường: Tinh trùng có hình dạng bất thường khiến cho việc thụ tinh gặp nhiều khó khăn.
  • Nguyên nhân khiến tinh trùng không thể di chuyển nhanh về phía trứng hoặc hình dạng tinh trùng bất thường có thể phát sinh từ:
  • Bệnh nam khoa: Nhiễm trùng tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, quai bị sau tuổi dậy thì… đều là nguyên nhân khiến tinh trùng bất thường.
  • Tinh hoàn quá nóng: Tinh hoàn bị tổn thương, giãn tĩnh mạch thừng tinh, sử dụng phòng xông hơi khô hoặc tắm nước bồn quá nóng, mặc quần áo bó sát hoặc làm việc trong môi trường nóng cũng ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng.
  • Nội tiết tố mất cân bằng: Chả hạn thiếu hụt hormone testosterone.
  • Yếu tố di truyền: Nhiễm sắc thể ở nam giới bình thường là XY (XX là nữ giới). Nếu như nam giới mắc hội chứng Klinefelter có hai nhiễm sắc thể X và một Y thì tinh hoàn sẽ phát triển bất thường và testosterone thấp khiến số lượng tinh trùng thấp hoặc không có tinh trùng.
  • Xạ trị và hóa trị: Xạ trị làm giảm sản xuất tinh trùng. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào vị trí xạ trị. Một số loại thuốc hóa trị có thể làm giảm đáng kể số lượng tinh trùng.
  • Các bệnh toàn thân: Thiếu máu, hội chứng cushing, tiểu đường và bệnh tuyến giáp…
  • Tuổi: Khả năng sinh sản của nam giới giảm đáng kể sau 40 tuổi.
  • Điều kiện môi trường tác động: Tiếp xúc nhiều với hóa chất làm tăng nguy cơ vô sinh, tiêu thụ nhiều rượu quá mức, cần sa, thuốc kháng sinh… khiến khả năng sinh sản tinh trùng thấp, thừa cân, bép phì hoặc căng thẳng thần kinh.

Nguyên nhân vô sinh ở nữ giới

Rối loạn rụng trứng, mãn kinh sớm, vấn đề với tử cung hoặc ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, ảnh hưởng của thuốc điều trị... đều là những nguyên nhân gây nên vô sinh cho nữ giới.

Rối loạn rụng trứng

Rối loạn rụng trứng là nguyên nhân phổ biến của vô sinh nữ. Hàng tháng, cơ thể chị em sẽ sản xuất ra từ 1-2 quả trứng, chờ thụ tinh với tinh trùng. Nếu trứng không được giải phóng hoặc giải phóng ít được coi là rối loạn rụng trứng.

Nguyên nhân khác

  • Mãn kinh sớm: Buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Buồng trứng hoạt động thất thường, thậm chí có thể không rụng trứng.
  • Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp kém hoạt động hoặc không hoạt động có thể làm rối loạn nội tiết tố…
  • Các bệnh nguy hiểm khác: Ung thư hoặc AIDS…
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật vùng chậu gây sẹo hoặc tổn thương ống dẫn trứng. Phẫu thuật cổ tử cung gây sẹo cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng vào tử cung.
  • U xơ dưới niêm mạc: Khối u lành tính xuất hiện ở thành cơ tử cung, ngăn chặn ống dẫn trứng hoặc ngăn cản tinh trùng thụ tinh với trứng. Ngoài ra, chúng còn có thể làm cho khoang tử cung lớn hơn, khiến tinh trùng phải di chuyển nhiều hơn để gặp trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung: Các tế bào trong niêm mạc tử cung không theo máu kinh ra ngoài mà đi lại vào các bộ phận khác trong cơ thể, gây ra đau bụng kinh dữ dội.
  • Từng điều trị viêm ống dẫn trứng: Chị em phụ nữ bị viêm tắc ống dẫn trứng có thể được điều trị và có thai trở lại, tuy nhiên, cơ hội có thai không cao.
  • Sử dụng thuốc không đúng

Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới như:

  • Thuốc chống viêm không steroidal: Sử dụng aspirin hoặc ibuprofen lâu dài có thể gây khó khăn cho việc thụ thai.
  • Hóa trị và xạ trị: Thuốc hóa trị có thể làm hỏng buồng trứng, một số trường hợp là vĩnh viễn. Xạ trị ở vùng sinh dục sẽ gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về khả năng sinh sản.
  • Cholesterol: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cholesterol cao có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Các yếu tố rủi ro gây vô sinh cho cả nam và nữ:

  • Tuổi tác: Khả năng thụ thai của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi, đặc biệt trên 37 tuổi giảm nhanh. Vô sinh ở phụ nữ lớn tuổi do số lượng và chất lượng trứng suy giảm, ngoài ra, chị em cũng có nhiều vấn đề về sức khỏe hơn khi tuổi cao. Khả năng sinh sản của nam giới trên 40 tuổi cũng giảm, nguy cơ cao hơn ở một số nam giới mắc bệnh ung thư hoặc rối loạn tâm lý.
  • Hút thuốc: Hút thuốc thụ động hoặc chủ động đều ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai, làm tăng nguy cơ vô sinh nam và vô sinh nữ. Hút thuốc làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương và số lượng tinh trùng thấp ở nam giới, hút thuốc ở phụ nữ có thai cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.
  • Rượu: Sử dụng rượu làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi, thậm chí dẫn đến vô sinh. Nam giới sử dụng rượu nhiều có thể giảm số lượng tinh trùng và sự linh động của tinh trùng.
  • Béo phì hoặc thừa cân: Làm tăng nguy cơ vô sinh cho cả nữ giới lẫn nam giới.
  • Rối loạn ăn uống: Nếu ăn uống thất thường, bệnh nhân bị giảm cân hoặc chế độ ăn uống thiếu axit folic, sắt, kẽm và vitamin B-12 thì các vấn đề về sinh sản có thể phát sinh.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bệnh lậu, Chlamydia… có hại cho ống dẫn trứng của phụ nữ và gây viêm bìu cho nam giới, trực tiếp gây ra vô sinh.
  • Tiếp xúc với hóa chất nhiều: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại chì và dung môi… đều làm giảm khả năng sinh sản.
  • Rủi ro khác: Lao động quá nhiều, rượu, căng thẳng về tinh thần… làm ảnh hưởng đến sự rụng trứng của nữ giới.

Xét nghiệm vô sinh cho nam và nữ

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh tật, thói quen tình dục và thuốc men đang sử dụng. Sau đó sẽ tiến hành thăm khám kiểm tra tinh hoàn dị dạng, sự xuất hiện của cục u, hình dạng và cấu trúc của dương vật cho nam giới; kiểm tra bộ phận sinh dục, tìm hiểu chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.

Xét nghiệm kiểm tra vô sinh ở nam giới bao gồm:

  • Phân tích tinh dịch: Kiểm tra nồng độ tinh trùng, tính linh hoạt của tinh trùng, chất lượng tinh trùng, sự xuất hiện của nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra testosterone và các kích thích tố khác.
  • Siêu âm: Kiểm tra các vấn đề như xuất tinh ngược dòng hoặc tắc nghẽn ống xuất tinh.
  • Xét nghiệm Chlamydia: Chlamydia ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây khó khăn cho quá trình thụ thai nhưng có thể điều trị được.

Xét nghiệm vô sinh cho nữ giới bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ hormone nữ giới để kiểm tra xem nữ giới có rụng trứng hay không.
  • Chụp X quang có chất cản quang: Chất lỏng được đưa vào tử cung của phụ nữ và thực hiện X quang để xác định xem chất lỏng có đi đúng hướng vào ống dẫn trứng hay không. Nếu có tắc nghẽn vòi trứng thì cần phải phẫu thuật.
  • Nội soi: Camera được gắn vào thiết bị chuyên dụng và đưa vào vùng bụng, xương chậu để bác sĩ quan sát tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng kiểm tra dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, sẹo, sự bất thường của tử cung và ống dẫn trứng.

Các xét nghiệm khác có thể làm thêm bao gồm:

  • Kiểm tra dự trữ buồng trứng, tìm hiểu trứng sau khi rụng.
  • Xét nghiệm di truyền, kiểm tra sự bất thường về di truyền liệu có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Siêu âm vùng chậu, xem xét hình ảnh tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.
  • Xét nghiệm Chlamydia.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố.

Điều trị vô sinh nam và vô sinh nữ

Vô sinh có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, thụ tinh trong tử cung hoặc hỗ trợ công nghệ sinh sản. Đôi khi, bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.

Việc điều trị vô sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây vô sinh, tuổi của người muốn thụ thai, thời gian vô sinh, tình trạng sức khỏe chung và lựa chọn điều trị của các cặp vợ chồng sau khi tư vấn về tỷ lệ thành công, rủi ro và lợi ích của mỗi phương pháp điều trị.

1. Tần suất giao hợp

  • Nếu cơ quan sinh sản của cả vợ và chồng đều bình thường, cả hai được khuyên nên quan hệ tình dục thường xuyên hơn vào thời gian rụng trứng.
  • Tinh trùng có thể tồn tại bên trong âm đạo tối đa 5 ngày còn trứng chỉ có thể đợi 1 ngày sau khi rụng. Do đó, trên lý thuyết, việc thụ thai có thể diễn ra bất kì lúc nào trong vòng 6 ngày xảy ra trước và trong khi rụng trứng. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quan hệ trong 3 ngày, bao gồm 2 ngày trước khi rụng trứng cộng với 1 ngày sau khi rụng trứng là nhều khả năng thụ thai .
  • Một số ý kiến cho rằng số lần quan hệ của vợ và chồng nên giảm để tăng số lượng tinh trùng, tuy nhiên, trên thực tế, điều này không có hiệu quả rõ rệt.

2. Phương pháp điều trị vô sinh cho nam giới

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân vô sinh cho nam giới:

  • Rối loạn chức năng cương dương hoặc xuất tinh sớm: Áp dụng các biện pháp điều trị rối loạn cương dương hoặc xuất tinh sớm sẽ giúp cải thiện khả năng sinh sản.
  • Tắc ống dẫn tinh: Lấy tinh trùng trực tiếp trong tinh hoàn và tiêm vào trứng trong phòng thí nghiệm.
  • Xuất tinh ngược: Tinh trùng có thể được lấy trực tiếp từ bàng quang và tiêm vào trứng trong phòng thí nghiệm.

3. Điều trị vô sinh cho nữ giới

  • Thuốc: Các loại thuốc có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, gây rụng trứng.
  • Phẫu thuật: Nếu nữ giới bị vô sinh do ống dẫn trứng bị tắc hoặc sẹo ống dẫn trứng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi, loại bỏ mô cấy và mô sẹo để hỗ trợ khả năng sinh sản.
  • Kích trứng: Thuốc kích trứng được sử dụng cho chị em rụng trứng không thường xuyên hoặc các tế bào trứng không thể trưởng thành để rụng. Trước khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc, bác sĩ phải theo dõi xét nghiệm nội tiết, siêu âm canh noãn và điều chỉnh liều thuốc thích hợp.

4. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản trong cả hai giới

  • Phương pháp hỗ trợ sinh sản bao gồm tất cả các phương pháp điều trị vô sinh trong đó có trứng và tinh trùng được xử lý bên ngoài cơ thể.
  • Công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng nó cho phép nhiều cặp vợ chồng có con trở lại.

Thụ tinh nhân tạo - IUI (Thụ tinh trong tử cung)

  • Phương pháp này đơn giản hơn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thụ tinh trong tử cung (IUI) thường được thực hiện khi người đàn ông có số lượng tinh trùng thấp, tinh trùng ít hoạt động, hoặc đàn ông bị rối loạn cương dương nghiêm trọng hoặc khi nguyên nhân vô sinh không thể xác định chính xác.
  • Các mẫu tinh trùng tốt được chọn. Vào thời điểm rụng trứng, một ống thông tinh được đưa vào cổ tử cung và tử cung để đưa tinh trùng vào tử cung. Trong phương pháp này, buồng trứng của nữ giới sẽ được kích thích rụng trứng.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF):

Tinh trùng và trứng được thụ tinh trong ống nghiệm trở thành phôi. Phôi sau đó được đặt trong tử cung để phát triển thànhbào thai. Đôi khi phôi cũng được đông lạnh để sử dụng trong tương lai.

Em bé đầu tiên được sinh ra vào năm 1978 là nhờ vào kết quả của thụ tinh trong ống nghiệm. Tính đến năm 2014, đã có hơn 5 triệu trẻ em được sinh ra dựa vào phương pháp này.

Thụ tinh trong ống nghiệm phù hợp với những đối tượng sau:

  • Vợ bị tắc vòi trứng.
  • Chồng ít tinh trùng, tinh trùng yếu hoặc dị dạng, không đủ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
  • Khi xuất tinh không có tinh trùng, phải lấy tinh trùng từ mào tinh, tinh hoàn.
  • Vợ lớn tuổi.
  • Từng tiến hành bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.

Trong IVF, người vợ phải kích buồng trứng để có từ 8-15 nang trứng là số lượng lý tưởng. Đến thời gian thích hợp, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng và chọc hút trứng. Sau đó, người chồng lấy tinh trùng đưa vào phòng thí nghiệm để chuẩn bị cấy, tạo thành phôi đưa vào buồng tử cung.

Tiêm tinh trùng (ICSI): 

Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệp (IVF), một số tinh trùng không thể tự thụ tinh với trứng nên không có phôi để chuyển vào buồng tử cung. Phương pháp ICSI giúp tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng để tạo phôi.

Đối tượng được khuyến khích tiêm tinh trùng (ICSI):

  • Nam giới bị vô tinh do tinh trùng ít, dị dạng tinh trùng, không có tinh trùng trong tinh dịch.
  • Bất thường thu tinh.
  • Đã từng tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Thụ thai nhờ ngân hàng trứng, tinh trùng (Hiến tinh trùng hoặc trứng).
  • Thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng được chỉ định khi nguyên nhân vô sinh là do buồng trứng của người vợ không có khả năng cho trứng (người vợ lớn tuổi, suy buồng trứng sớm…)

Phương pháp này cũng sử dụng cách thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tử trứng tương tứng nhưng lúc này trứng là của người khác, được thụ tinh với tinh trùng của chồng. Phôi tạo thành được chuyển vào tử cung của vợ để nuôi thai.

Tương tự, thụ tinh trong ống nghiệm xin tinh trùng cũng được thực hiện với mẫu tinh trùng xin từ ngân hàng tinh trùng.

Trứng hay tinh trùng đều có thể trữ trong các bình nito lỏng ở -196C. Khi cần, chúng sẽ được rã đông và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Cập nhật lần cuối: 26-05-2021 09:04:04