Viêm cổ tử cung: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Lượt xem: 4798

Viêm cổ tử cung là bệnh khá nguy hiểm ở nữ giới. Tự tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách điều trị giúp phụ nữ tự phòng bệnh hiệu quả và đến gặp bác sĩ sớm khi có những dấu hiệu bất thường.

Viêm cổ tử cung rất phổ biến, có thể do một số yếu tố như viêm nhiễm, kích thích vật lý, hóa học hoặc dị ứng. Viêm cổ tử cung là bệnh khá nguy hiểm, bệnh có thể lan rộng ra các bộ phận khác của cơ quan sinh sản, đe dọa khả năng sinh sản và thai nhi trong bụng mẹ.

Viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là gì?

Viêm cổ tử cung (cervicitis) là tình trạng viêm nhiễm và sưng tấy xảy ra tại ống cổ tử cung, thường do:

  • Kích thích.

  • Bệnh lây nhiễm.

  • Tổn thương các tế bào cổ tử cung.

  • Vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.

Các tác nhân này có thể khiến cổ tử cung bị viêm nhiễm, sưng đỏ, chảy nước nhầy và mủ, thậm chí là chảy máu khi chạm vào.

 

Nguyên nhân gây viêm cổ tử cung

Nguyên nhân viêm cổ tử cung

  • Nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) có thể gây viêm cổ tử cung bao gồm: Bệnh lậu, Chlamydia, Gentital herpes, Trichomoniasis, Mycoplasma and ureaplasma. Tuy nhiên, có rất nhiều người bị viêm cổ tử cung không do bất kì bệnh lây nhiễm nào.

  • Cổ tử cung bị kích thích hoặc tổn thương từ việc sử dụng tampon, đặt vòng tránh thai, chất diệt tinh trùng, thụt rửa âm đạo hoặc thành phần mủ cao su của bao cao su.

  • Sự mất cân bằng vi khuẩn trong môi trường âm đạo, các vi khuẩn khỏe mạnh bị lấn át bởi vi khuẩn có hại.

  • Rối loạn nội tiết tố: Có hàm lượng estrogen thấp hoặc quá cao progesterone, có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì cổ tử cung khỏe mạnh của cơ thể.

  • Ung thư hoặc điều trị ung thư: ung thư và phóng xạ điều trị ung thư có thể gây ra những thay đổi trong cổ tử cung, gây ra viêm nhiễm ở cổ tử cung.

Nữ giới có nguy cơ bị viêm cổ tử cung cao nếu quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc từng bị viêm cổ tử cung trước đây. Nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh sẽ tái phát ở 8-25% phụ nữ từng bị viêm cổ tử cung.

 

Triệu chứng viêm cổ tử cung

Triệu chứng viêm cổ tử cung

Một số người phụ nữ không có dấu hiệu viêm cổ tử cung, bệnh chỉ được phát hiện sau khi xét nghiệm và thăm khám định kỳ. Các triệu chứng của viêm cổ tử cung nếu có bao gồm:

  • Ra nhiều khí hư, màu vàng hoặc xám nhạt.

  • Xuất huyết âm đạo bất thường, có thể là chảy máu sau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.

  • Cảm giác đau khi quan hệ tình dục, đau lưng, đau bụng.

  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu đau, tiểu buốt.

  • Ngứa âm đạo

  • Cảm giác căng tức ở vùng chậu

  • Sốt nhẹ

 

Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không?

Cổ tử cung đóng vai trò như một “rào cản”, giữ cho vi khuẩn và virus ở âm đạo không xâm nhập vào trong tử cung. Nếu cổ tử cung bị viêm, nguy cơ gia tăng nhiễm trùng vào sâu bên trong tử cung và buồng trứng sẽ tăng cao, cụ thể:

  • Viêm cổ tử cung do Lậu, Chlamydia… sẽ di chuyển đến trong tử cung và ống dẫn trứng gây ra viêm vùng chậu (PID), bệnh nhân bị xuất huyết và sốt, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.

  • Viêm cổ tử cung nếu không điều trị, các triệu chứng sẽ kéo dài trong nhiều năm và ngày càng xấu đi, gây ra đau đớn khi giao hợp, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc yêu.

  • Ngoài ra, viêm cổ tử cung làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS.

 

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

những dấu hiệu cảnh báo viêm cổ tử cung cần đi khám

Bạn có thể nghi ngờ bị viêm cổ tử cung và đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu dưới đây:

  • Khí hư bất thường, ra nhiều dai dẳng.

  • Xuất huyết âm đạo nhưng không phải do kinh nguyệt gây ra.

  • Đau khi quan hệ tình dục.

 

Chẩn đoán viêm cổ tử cung như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác nữ bệnh nhân bị viêm cổ tử cung hay không? Bác sĩ sẽ thăm hỏi và chỉ định 1 số xét nghiệm cần thiết.

Bước 1: bác sĩ sẽ hỏi thói quen quan hệ tình dục hoặc tiền sử bệnh lý của bạn: Bạn có từng quan hệ với ai, có sử dụng bao cao su không, đang áp dụng phương pháp tránh thai nào…

Bước 2: Chỉ định xét nghiệm, các xét nghiệm khám cổ tử cung bao gồm:

  • Khám xương chậu: Chèn một ngón tay đeo găng vào âm đạo, dùng lực ấn hai bên vùng bụng và xương chậu bằng tay kia. Điều này giúp bác sĩ phát hiện cấu trúc vùng chậu bất thường hay không.

  • Quan sát cổ tử cung: Kiểm tra sự chảy dịch, sưng đau và chảy máu.

  • Soi kính hiển vi: Lấy mẫu khí hư để kiểm tra dưới kính hiển vi, phát hiện vi khuẩn hoặc virus có hại.

  • Xét nghiệm PAP: Lấy một ít mô tế bào từ âm đạo và cổ tử cung để kiểm tra sự xuất hiện của tế bào bất thường. Nếu xét nghiệm PAP thì sẽ cần tiến hành soi cổ tử cung trước.

  • Sinh thiết cổ tử cung (soi cổ tử cung): Trong đó, bác sĩ sẽ chèn mỏ vịt vào âm đạo, lấy tăm bông và nhẹ nhàng làm sạch âm đạo, cổ tử cung. Tiếp theo, sử dụng kính soi cổ tử cung để nhìn vào cổ tử cung và lấy mẫu mô từ bất kỳ khu vực nào bất thường mang đi xét nghiệm.

  • Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ làm thêm test thử thai hoặc kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bước 3: Bác sĩ sẽ xem kết quả và kết luận bệnh.

 

Điều trị viêm cổ tử cung

Điều trị viêm cổ tử cung

Phương pháp chữa viêm cổ tử cung còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:

1. Điều trị viêm cổ tử cung do dị ứng

Bạn sẽ không cần điều trị nếu bị viêm cổ tử cung do dị ứng (băng vệ sinh, vòng tránh thai) hoặc kích thích vật lý thì bệnh nhân cần ngừng sử dụng các vật dụng này. Bạn có thể thay thế các loại băng vệ sinh hoặc vòng tránh thai mới phù hợp.

2. Chữa viêm cổ tử cung do thiếu estrogen

Điều trị viêm cổ tử cung do thiếu estrogen chỉ cần bổ sung các loại thuốc bổ sung estrogen. Những loại thuốc này là con dao 2 lưỡi, chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

3. Điều trị viêm cổ tử cung do bệnh lý

Điều trị viêm cổ tử cung do nhiễm trùng cần bảo đảm tiêu diệt vi khuẩn gây viêm và ngăn chặn chúng lây lan sang tử cung và ống dẫn trứng khi này quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

  • Căn cứ vào vi khuẩn gây viêm, bác sĩ sẽ kê đơn: Kháng sinh, Thuốc kháng nấm, Thuốc kháng virus...
  • Phác đồ điều trị viêm cổ tử cung còn phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh lý, mức độ nghiêm trọng của viêm cổ tử cung.
  • Điều trị cần kết hợp cả vợ và chồng, để bảo đảm không tái nhiễm lẫn nhau. không được quan hệ tình dục cho đến khi việc điều trị của cả hai hoàn tất.
 

Cách phòng viêm cổ tử cung

  • Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc tốt là quan hệ chung thủy, không nên quan hệ tình dục với nhiều người để hạn chế nguy cơ viêm cổ tử cung do các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra.

  • Tránh các hóa chất có thể gây dị ứng cho vùng kín như băng vệ sinh thơm, tampon…

  • Đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, hoặc khi có các dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh sản.

Trên đây là bài viết: “Viêm cổ tử cung: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị”. Nội dung được tổng hợp từ ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa phụ sản và các nguồn tài liệu uy tín.

Cập nhật lần cuối: 26-05-2021 08:47:23