Dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa chị em phụ nữ để phòng tránh

Lượt xem: 4579

Viêm phụ khoa là hiện tượng vi khuẩn phát triển quá mức trong môi trường âm đạo gây viêm nhiễm. Nữ giới tự nhận biết dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa rất có lợi trong điều trị và phòng bệnh.

Viêm nhiễm phụ khoa gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục và khó thụ thai có thể dẫn đến vô sinh nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Phụ nữ nếu tự nhận biết được dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa từ sớm, có thể chủ động thăm khám và điều trị viêm nhiễm phụ khoa đạt hiệu quả.

Viêm nhiễm phụ khoa là gì?

Viêm nhiễm phụ khoa (gynecologic infections) là hiện tượng vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng xâm nhập và phát triển quá mức trong môi trường âm đạo, gây viêm nhiễm và tổn thương cho cơ quan sinh dục của nữ giới.

Các dạng viêm nhiễm phụ khoa thường gặp: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, Viêm tử cung, Viêm phần phụ (dạng viêm toàn bộ cơ quan sinh dục trên, bao gồm viêm vùng chậu, viêm tử cung và vòi trứng)

 

Tổng hợp dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa chị em phụ nữ nên biết

Khí hư bất thường

Bình thường, dịch âm đạo của chị em có màu trắng đục như màu trắng trứng gà hoặc lòng trắng sữa, giúp giữ ẩm và bôi trơn môi trường âm đạo khi quan hệ tình dục. Dịch sinh dục thường ít, ra nhiều hơn giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi quan hệ tình dục.

Khí hư ra nhiều, đổi màu bất thường là dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa đặc trưng. Cụ thể:

  • Khí hư màu xanh hoặc màu vàng, đặc như mủ có thể là chị em bị viêm do nấm hoặc viêm phần phụ.

  • Khí hư ra nhiều, loãng như nước có thể là dấu hiệu viêm tử cung.

  • Khí hư trắng đục, dính… là dấu hiệu viêm cổ tử cung.

  • Khí hư màu trắng, dính, nhầy, không mùi, loãng như nước là triệu chứng thường gặp của viêm lộ tuyến cổ tử cung.  

Cơ quan sinh dục ngứa rát, đau đỏ, có các nốt, vết loét

Hầu hết viêm nhiễm phụ khoa đều gây ra các triệu chứng rất khó chịu cho vùng kín, âm đạo và cửa mình của nữ giới. Đặc biệt, nếu bị viêm âm đạo do nấm hoặc do Trichomoniasis, chị em sẽ cảm thấy ngứa ngáy dữ dội, khó chịu, phải đưa tay gãi, tạo ra các vết loét, đau, đỏ…

Tuy nhiên, cơ quan sinh dục ngứa rát, đau đỏ cũng có thể là do dị ứng với đồ lót, băng vệ sinh hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ. Nếu chị em đã thay đổi tác nhân gây dị ứng mà vẫn thấy ngứa ngáy thì cần đi khám.

Đau bụng dưới hoặc đau khi quan hệ

Các bệnh viêm phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm vùng chậu… sẽ gây đau nhức vùng dưới khi quan hệ, đặc biệt là khi hoạt động quan hệ tình dục thô bạo diễn ra, gây tổn thương cho vùng kín.

Chị em không nên lạm dụng thuốc giảm đau trong trường hợp này, vì thuốc giảm đau chỉ có hiệu quả tức thời, không chữa bệnh tận gốc, cần phải đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân và điều trị.

Chảy máu bất thường ngoài chu kì kinh nguyệt

Chảy máu bất thường mà không phải do chu kỳ kinh nguyệt gây ra, có thể là do dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung.

Chảy máu bất thường cũng có thể là do chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, sử dụng thuốc tránh thai hoặc chị em bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ mà bị chảy máu bất thường thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Đi tiểu thấy buốt và đau rát

Viêm nhiễm phụ khoa thường đi kèm với viêm niệu đạo. Chị em bị tổn thương vùng niêu đạo, khi đi tiểu cảm thấy buốt và rát

Nguyên nhân viêm nhiễm phụ khoa

Tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa chủ yếu do vi khuẩn Vaginosis, Trichoniasis và nấm âm đạo Candida. Nấm Candida luôn có sẵn trong môi trường âm đạo của nữ giới với một số lượng nhỏ, trong điều kiện thích hợp như ẩm ướt, ít khí, chúng phát triển mạnh hơn, lấn át các vi khuẩn có lợi và gây ra viêm phụ khoa. Ngoài ra, vi khuẩn  gây viêm nhiễm phụ khoa cũng có thể xâm nhập từ môi trường ngoài vào.

Một số yếu tố gây ra viêm nhiễm phụ khoa bao gồm:

  • Vệ sinh vùng kín sai cách: Thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng hóa chất tẩy rửa quá mạnh khiến cho môi trường âm đạo mất cân bằng giữa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, vệ sinh ngược từ sau ra trước làm cho các vi khuẩn ở hậu môn xâm nhập vào vùng kín.

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục từ phía đối tác tình dục, gây ra viêm phụ khoa.

  • Can thiệp ngoại khoa như nạo hút thai, đặt vòng tránh thai, thông niệu đạo… tại các cơ sở y tế không bảo đảm điều kiện tiệt trùng tiệt khuẩn về thiết bị y tế và phòng thực hiện thủ thuật, khiến viêm nhiễm phát sinh.

  • Các yếu tố khác: Tiểu đường, rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn thai kỳ, mặc quần lót ẩm, chật… làm tăng nguy cơ mắc viêm phụ khoa.

Nữ giới nên đi khám phụ khoa khi nào?

Chị em cần đi khám phụ khoa ngay khi xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa được đề cập đến ở trên. Việc khám, phát hiện và điều trị sớm bao giờ cũng làm tăng hiệu quả điều trị.

Tình trạng viêm nhiễm nếu để lâu sẽ trở nên trầm trọng hơn. Khi đó, vi khuẩn, sẽ xâm nhập vào sâu hơn các bộ phận trong của cơ quan sinh sản, gây ra viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm tắc vòi trứng… làm suy giảm khả năng sinh sản, thậm chí là dẫn đến vô sinh hiếm muộn.

Phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa như thế nào?

  • Mặc quần áo thoáng khí, chất liệu bằng cotton hoặc lụa, có khả năng thấm hút tốt, độ rộng vừa phải.

  • Thay quần lót hàng ngày, là hoặc phơi khô trước khi sử dụng, không mặc quần lót ẩm ướt, bí bách dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và nấm phát triển.

  • Vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục, vệ sinh ngày hai lần sáng, tối với nước sạch.

  • Không lạm dụng dung dịch vệ sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ.

  • Tránh thức quá khuya, dậy sớm.

  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao đều đặn ít 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.

  • Thăm khám phụ khoa thường xuyên, định kỳ 6 tháng một lần.

Trên đây là bài viết: "Tổng hợp dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa chị em phụ nữ cần biết". Viêm phụ khoa là những bệnh lý khá nguy hiểm với nữ giới, vì vậy chị em cần tự nhận biết những triệu chứng của bệnh này để tự phòng bệnh cho mình.  

Cập nhật lần cuối: 30-05-2021 13:42:00